Những cảm biến xung quanh smartphone chính là khác biệt lớn nhất với điện thoại phổ thông, vậy hiện nay có bao nhiêu cảm biến trên smartphone?
Cảm biến điện dung là cảm biến trên smartphone phổ biến nhất
Đây là loại cảm biến phổ biến nhất trên Smartphone. Cảm biến này được đặt dưới màn hình cảm ứng trên điện thoại. Khi tay người dùng chạm vào màn hình làm điện cực của cảm biến thay đổi, sự thay đổi đó sẽ được ghi nhận để xác định được vị trí ngón tay.
Có một số thiết bị sử dụng kết hợp cả điện dung tương hỗ và điện dung riêng để phục vụ cho tính năng điều khiển mà không cần chạm vào màn hình. Tính năng này đã được Sky Pantech quảng cáo từ khá lâu trên những mẫu điện thoại của mình.
Cảm biến tiệm cận
Tính năng chính của cảm biến này là đo khoảng cách từ người dùng đến điện thoại. Khi người dùng đưa điện thoại lên tai để nghe, cảm biến sẽ nhận diện khoảng cách từ màn hình đến tai người nghe để thực hiện chức năng tắt màn hình, tránh trường hợp điện thoại nhận diện những cử chỉ chạm không chủ ý từ má và tai của người dùng.
Cảm biến tiệm cận được đặt phía trên của smartphone, nơi gần với tai người dùng khi đưa lên nghe điện thoại
Cảm biến định vị
Smartphone của bạn có thể xác định chính xác vị trí của điện thoại dựa vào khả năng đo khoảng cách giữa tín hiệu của thiết bị và vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu. Hiện nay phổ biến nhất là hệ thống GPS của Mỹ, ngoài ra còn có hệ thống định vị GLONASS của Nga và Bắc Đẩu của Trung Quốc.
Tính năng định vị hữu ích được sử dụng phổ biến nhất trên smartphone
Cảm biến ánh sáng
Cảm biến này có nhiệm vụ tối ưu độ sáng của màn hình trong các điều kiện sáng tối khác nhau. Mục đích quan trọng nhất của cảm biến ánh sáng môi trường là nhằm điều chỉnh độ sáng của màn hình, cho phép tiết kiệm pin và cải thiện tuổi thọ pin, đồng thời đảm bảo khả năng hiển thị của màn hình một cách tốt nhất.
Cảm biến gia tốc
Tính năng chính của cảm biến gia tốc là nhận diện được các thay đổi về hướng và góc độ để từ đó thay đổi chế độ màn hình (xoay dọc hoặc ngang) để phù hợp với góc nhìn của người dùng. Ví dụ, trong trường hợp bạn muốn tăng chiều rộng hiển thị của một clip, bạn có thể xoay ngang màn hình để clip đó sẽ tự cảm biến và xoay ngang theo tương ứng. Tương tự, khi bạn chơi game, nhất là game đua xe, hướng lái xe sẽ thay đổi tương ứng với góc nghiêng điện thoại do người cầm thao tác.
Cảm biến la bàn
La bàn xác định phương hướng bằng cách sử dụng nam châm. Song, những tín hiệu được phát từ các thiết bị di động đã ảnh hưởng khá lớn đến tính chính xác của la bàn nam châm. Vì vậy, smartphone của bạn sẽ phải sư dụng phương pháp khác bằng cách đo các tín hiệu có tần số cực thấp đến từ một hướng nhất định và với sự trợ giúp của cảm biến gia tốc, la bàn trên smartphone có thể đưa ra định hướng cho người dùng.
Cảm biến vân tay
Công nghệ cảm biến vân tay đã xuất hiện lần đầu tiên trên smartphone vào năm 2011 trên Motorola Mobility Atrix 4G. Tuy nhiên, công nghệ này thực sự được chú ý khi Apple tích hợp vào iPhone 5S dưới cái tên Touch ID. Cảm biến vân tay được sử dụng trên Smartphone nhằm mục đích bảo mật và mới đây là tính năng thanh toán trực tuyến.
Cảm biến vân tay đang là xu hướng trên các mẫu điện thoại cao cấp
Cảm biến nhịp tim
Nhịp tim thường được quan tâm khi kiểm tra sức khỏe hay để đánh giá kết quả điều trị. Hiểu tầm quan trọng đó, cảm biến nhịp tim đã được tích hợp và dần phổ biến trên smartphone. Chức năng này có thể giúp người dùng tự theo dõi tình trạng sức khỏe. Trong tương lai, công nghệ này hứa hẹn sẽ giúp bác sĩ khám bệnh không cần phải đến tận nơi như hiện tại nữa mà sẽ chẩn đoán và tương tác trực tuyến với người bệnh thông qua smartphone.
Cảm biến đo nhịp tim được tích hợp đầu tiên trên Galaxy S5
Ngoài ra, còn một số cảm biến trên smartphone khác cũng được nhiều hãng điện thoại tích hợp vào sản phẩm như cảm biến con quay hồi chuyển, cảm biến đếm bước chân, cảm biến ánh sáng, cảm biến khí áp…