Hệ thống tản nhiệt chất lỏng đã từng xuất hiện trên Lumia 950XL của Microsoft, Xperia Z2 của Sony và gần đây nhất là chiếc Galaxy S7 của Samsung.
Công nghệ tản nhiệt chất lỏng đang được áp dụng trên smartphone
Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng công nghệ tản nhiệt chất lỏng hoạt động như thế nào? Chất lỏng đó vì sao có khả năng làm mát? Sau khi làm mát xong thì chúng ta có phải... châm nước vào hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Tản nhiệt chất lỏng trên smartphone hoạt động ra sao?
Công nghệ tản nhiệt chất lỏng trên điện thoại không giống với tản nhiệt chất lỏng trên PC. Ở trên máy tính, bạn có cả một hệ thống ống dài uống cong hết đầu này tới đầu khác với lượng chất lỏng nhiều, còn trên thiết bị di động thì nó chỉ là một lượng rất nhỏ mà thôi, thậm chí chỉ là vài giọt. Dung dịch làm mát này được chứa an toàn trong một ống kim loại khép kín làm từ đồng hoặc nhôm. Nó có thể là nước hoặc ethylene glycol, và quy trình tản nhiệt này giống như việc bạn tạt nước lên vỉa hè trong những ngày nóng vậy đó, chỉ khác là nước tạt lên vỉa hè thì bốc hơi vào không khí hết, còn trên smartphone thì nó được giữ lại để xài tiếp.
Mô tả nguyên lý hoạt động của tản nhiệt chất lỏng
Cụ thể hơn, trong quá trình thiết bị hoạt động, chất lỏng sẽ được cho đi qua một bộ phận hấp thu nhiệt, thường là một mảng đồng lớn nằm chụp lên trên CPU và / hoặc linh kiện khác tỏa nhiều nhiệt. Tại đây, chất lỏng sẽ bị hóa thành thể khí do sức nóng của CPU, và dòng khí này có nhiệm vụ mang hơi nóng đi tới một bộ tản nhiệt để làm mát. Lúc nhiệt độ giảm xuống và sức nóng của CPU phân tán ra không khí xung quanh, hơi nóng sẽ hóa trở lại thành thể lỏng. Vòng tuần hoàn nói trên sẽ được lặp đi lặp lại liên tục nhằm làm mát cho thiết bị của chúng ta.
Lưu ý rằng bộ tản nhiệt chúng ta đang nói đến ở đây là bộ tản nhiệt thụ động, thường cũng là một mảng kim loại lớn với tiết diện rộng chứ không cần gắn quạt gì cả. Lý do thì đơn giản thôi: một chiếc smartphone sẽ không đủ chỗ chứa cho quạt như là máy tính. Với tiết diện lớn của miếng kim loại, nhiệt độ sẽ được phân tán ra một khu vực rộng lớn để tránh tình trạng một số điểm trở nên quá nóng, từ đó giúp giảm nhiệt độ chung của smartphone khi hoạt động.
Công nghệ này giúp "hạ nhiệt" smartphone rất hữu hiệu
Nghe qua thì có vẻ như hệ thống tản nhiệt này cần đến các miếng kim loại lớn và cồng kềnh nhưng thực chất không phải như thế. Fujitsu đã từng ra mắt hệ thống ống đồng dành riêng cho thiết bị di động với độ dày chỉ 0,1mm. Ngay tại hai chỗ dày nhất là hai miếng kim loại làm bay hơi và tản nhiệt cũng chỉ dày 0,6mm và 1mm mà thôi. Nhờ kích thước như thế này mà hệ thống tản nhiệt chất lỏng có thể được tích hợp vào các smartphone hiện đại mà không làm tăng đáng kể độ dày máy.
Galaxy S7 không phải là smartphone đầu tiên có tản nhiệt chất lỏng. Trước đó, chiếc Lumia 950 XL cũng sử dụng tản nhiệt chất lỏng chung với con chip Snapdragon 810. Sony thậm chí còn xài hệ thống tương tự cho chiếc Xperia Z2 ra đời vào năm 2014.
Vì sao smartphone phải cần đến tản nhiệt chất lỏng?
Vi xử lý là thứ phải nói đến đầu tiên. Hiện nay các SoC càng lúc càng chứa nhiều tính năng hơn, nhân CPU cũng mạnh hơn, hoạt động nhiều hơn ở xung nhịp cao hơn, thế nên lượng nhiệt tỏa ra nhiều hơn. Ngoài ra, SoC trên smartphone bây giờ cũng có tích hợp cả bộ xử lý đồ họa và các bộ thu phát sóng không dây, thậm chí là modem 4G LTE, và chính những thành phần này cũng góp phần làm cho chip trở nên nóng hơn.
Nhằm đảm bảo nhiệt độ được duy trì ở mức chấp nhận được, tránh ảnh hưởng đến tuổi thọ của chip, tản nhiệt chất lỏng là một giải pháp có thể được áp dụng ngay. Việc giữ cho nhiệt độ SoC thấp cũng quan trọng đối với hiệu năng thiết bị vì CPU và GPU có xu hướng chạy chậm hơn khi nhiệt độ lên cao.
Hệ thống tản nhiệt chất lỏng trên Galaxy S7
Còn nhớ hồi năm ngoái khá nhiều thiết bị sử dụng chip Snapdragon 810 đời đầu đã bị chê là nóng. Samsung cũng được cho là không xài SoC này trên Galaxy S6 và S6 Edge vì vấn đề tương tự. Tuy Qualcomm không thừa nhận điều này nhưng vấn đề đó dường như là hoàn toàn có thực. Với tản nhiệt chất lỏng, những trường hợp quá nhiệt như vậy sẽ được giảm xuống đáng kể.
Một nguyên nhân khác mà chúng ta có thể nghĩ đến đó là smartphone giờ sử dụng rất nhiều kính. Kính có hiệu quả dẫn nhiệt kém hơn so với kim loại hay nhựa, do đó các điểm nóng có thể được hình thành tại nhưng khu vực kính nằm gần SoC và những linh kiện phát nhiệt khác. Ngay cả khi mặt sau của smartphone có làm từ kim loại đi nữa thì nó vẫn nóng đến mức làm cho người dùng khó chịu khi cầm nắm, nhất là lúc sử dụng những ứng dụng năng như chơi game, quay phim hay xem phim. Đây là lúc mà tản nhiệt chất lỏng có thể nhảy vào để giúp mọi thứ trở nên dễ chịu hơn.
Cuối cùng, cụm từ "tản nhiệt chất lỏng" sẽ nghe rất là ngầu khi bỏ lên banner, áp phích, nói chung là dùng cho mục đích bán hàng và marketing. Biết đâu vào thời điểm này năm sau, nhiều hãng công khác ngoài Samsung, Sony cũng sẽ xài tản nhiệt chất lỏng cho smartphone của họ thì sao.
Hiện tại, Galaxy S7 là mẫu smartphone mới nhất được áp dụng công nghệ cao cấp này và giá bán Galaxy S7 tại Việt Nam cũng rất hợp lý. Vì vậy, nếu bạn muốn sử dụng một thiết bị smartphone cao cấp, cấu hình mạnh mẽ, luôn hoạt động trơn tru, mát mẻ nhờ công nghệ tản nhiệt chất lỏng thì hãy lưu tâm đến chiếc flagship này nhé!
Nguồn: Tổng hợp viết