Gần như người dùng sử dụng smartphone nào cũng đều có thói quen sạc điện thoại qua đêm vì đây là thời điểm thoải mái bạn ngưng tất cả các hoạt động và không cầm đến điện thoại để sáng hôm sau thức dậy sảng khoái với mức pin 100%. Tuy nhiên, thói quen này liệu có nên duy trì?
Nhiều người nghĩ rằng đây có thể là một lựa chọn rất tế nhị và đôi chút mạo hiểm bởi việc sạc qua đêm có thể khiến pin của thiết bị hỏng hoàn toàn do sạc lâu hơn thời gian cần thiết? Nhiều người khác quan tâm tới môi trường hơn có thể lại thấy việc cắm sạc quá lâu như vậy gây hao phí điện năng một cách không cần thiết?
Dữ liệu thực tế về việc sạc pin
Tin tốt lành cho chúng ta là các công ty sản xuất và tổ chức International Energy Agency (IEA) đã có rất nhiều nỗ lực để cải tiến hiệu năng của các bộ sạc cho smartphone trong những năm gần đây.
Sáng kiến "One Watt" của IEA đã giúp giảm mức tiêu thụ điện năng ở chế độ chờ xuống dưới 1W và sau đó là xuống dưới 0.5W (năm 2013) cho rất nhiều thiết bị điện tử khác nhau trên thế giới. Điều này có nghĩa là gì? Các bộ sạc quen thuộc của chúng ta khi được cắm vào nguồn điện nhưng không kết nối với thiết bị sau 1 năm sẽ chỉ thực sự tiêu tốn lượng điện năng tương đương chưa đến 500 VND. Do đó nếu bạn đang sử dụng một chiếc smartphone với bộ sạc được sản xuất trong vòng vài năm trở lại đây (được ràng buộc bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện tại) thì bạn hoàn toàn không phải lo lắng về vấn đề tiêu tốn điện năng ở chế độ chờ của bộ sạc.
Các bộ sạc di động ngày càng trở nên tiết kiệm năng lượng hơn
Dĩ nhiên con số 0.5W nói trên vẫn cho thấy có một lượng điện năng nhỏ bị tiêu thụ. Một nghiên cứu năm 2012 của Lawrence Berkeley National Laboratory khẳng định rằng một bộ sạc trung bình tiêu thụ 0.26W điện ở chế độ chờ và tăng lên 3.68W khi sạc cho điện thoại sau đó lại tụt xuống 2.24W khi điện thoại ngưng sạc nhưng vẫn được kết nối với bộ sạc. Theo tính toán của Nppower thì mỗi một hộ gia đình tại Anh bình quân một năm tiêu tốn 3.50 Bảng Anh (khoảng hơn 100.000 VND) cho việc không rút sạc điện thoại sau khi sạc đầy pin. Như vậy nếu tất cả người dùng di động tại Anh đều có thói quen không rút sạc sau khi sạc đầy pin thì mỗi năm lượng điện năng thất thoát sẽ đủ dùng cho một khu vực rộng lớn cỡ Canterbury.
Pin Lithium ion
Mỗi một chiếc smartphone hiện tại đều sử dụng công nghệ pin lithium ion. Với loại pin này, việc sạc quá mức (overcharge) hay bị kiệt pin (drained) đều gây nguy hiểm, cũng do đó, các bộ sạc hiện đại đều được thiết kế để ngưng sạc khi pin điện thoại đạt 100% dung lượng. Cũng vì lý do bảo vệ pin, điện thoại sẽ ở chế độ sạc từ từ trong đêm (hạ từ từ rồi lại bổ sung từ từ) do đó bạn nên sử dụng bộ sạc bán kèm điện thoại bất cứ khi nào có thể để tránh những nguy cơ đáng tiếc cho thiết bị.
Không nên sạc đầy 100% cho pin Lithium ion
Bên cạnh vấn đề tiêu tốn năng lượng, việc duy trì một chiếc điện thoại luôn ở mức sạc 100% lâu hơn thời gian cần thiết khiến tuổi thọ pin giảm đi nhanh hơn đôi chút. Dĩ nhiên sự khác biệt không phải là lớn nhưng vẫn là khác biệt và bạn nên tránh duy trì pin lithium ion ở trình trạng sạc no nếu có thể. Sạc trước khi pin kiệt và ngưng sạc sớm là cách sạc giúp duy trì độ bền của pin lithium ion tốt hơn nhiều so với việc luôn duy trì pin ở trạng thái sạc. Một cách ví von thì đây cũng giống như việc anh em Techrum.vn chúng ta không nên ngồi lỳ trước màn hình máy tính cả ngày dài mà nên thi thoảng đứng dậy đi lại cho thoải mái.
Kết luận
Như vậy, có thể kết luận rằng không nên sạc điện thoại qua đêm vì những chiếc smartphone hiện tại trung bình cần từ 1 tới 2 giờ đồng hồ để sạc đầy và thời gian sạc phù hợp nhất là ngay khi bạn vừa chấm dứt một ngày làm việc/học tập trở về nhà thay vì qua đêm. Bạn cần nhớ rằng dù chỉ cắm sạc vào ổ điện và không kết nối điện thoại với các thiết bị cần sạc thì nó vẫn tiêu thụ một lượng điện năng nhất điện từ lưới điện quốc gia.
Các bạn nghĩ sao về việc này? Hãy chia sẻ với chúng tôi ở phần bình luận phía dưới nhé!